Chữa thiếu máu do suy tủy nhờ bài thuốc y học cổ truyền.
Nội dung trong bài viết
Thiếu máu do suy tủy là một loại bệnh do chức năng tạo máu của tủy xương suy giảm. Sự suy giảm chức năng sinh máu này có thể ảnh hưởng đến số lượng máu của một dòng hoặc của cả 3 dòng. Bệnh này trên lâm sàng thường có triệu chứng thiếu máu tiến triển, chảy máu và nhiễm khuẩn nhiều lần tái phát. Y học hiện đại cho là suy tủy xương được coi như xảy ra do tổn thương tế bào gốc, hoặc do tổn thương các vi mô lân cận tạo thành một môi trường không thích hợp cho sự sinh sản và trưởng thành của các tế bào máu. Bên cạnh đó có hơn một nửa bệnh nhân là nguyên phát, chỉ có một số ít là thứ phát, từ một số bệnh nhiễm khuẩn, virút nặng do độc tố ức chế chức năng tạo máu của tủy xương. Bệnh này thuộc phạm trù các chứng “hư lao”, “huyết chứng” trong y học cổ truyền.
Bệnh suy tủy có thể chia các thể bệnh điều trị như sau:
1. Khí huyết lưỡng hư
Triệu chứng khởi bệnh từ từ, sắc mặt tái nhợt, váng đầu, khó thở mệt mỏi, chán ăn tiêu phân lỏng, chất lưỡi nhợt rêu mỏng, mạch hư huyền. Thỉnh thoảng có trường hợp có chảy máu ở da cơ. Phương pháp chữa: ích khí dưỡng huyết.
Theo các Y sĩ Y học Cổ truyền TPHCM
Bài thuốc: Bát trân thang gia giảm: nhân sâm 3g (nếu dùng đảng sâm 12g), thục địa 16g; kỷ tử, đương quy, bạch thược, bạch truật, bạch linh đều 12g; xuyên khung, cam thảo đều 6g, đại táo 15g. Nếu tâm hư hồi hộp thêm ngũ vị tử 6g, long cốt 30g (sắc trước); xuất huyết cơ da thêm tiên hạc thảo 15g, hạn liên thảo 12g.
2. Gan thận âm hư
Triệu chứng sắc mặt tái nhợt, hoa mắt chóng mặt, ù tai, bứt rứt mất ngủ, khung đùi đau mỏi, họng khô miệng táo, chảy máu mũi, máu răng thường thấy. Đầu lưỡi đỏ, rêu mỏng, mạch huyền tế sác. Phương pháp chữa: tư dưỡng can thận.
Bài thuốc: Đại bổ nguyên tiễn gia giảm: nhân sâm 3g, thục địa 16g; sơn thù, đương quy, hà thủ ô, chích quy bản đều 9g; đỗ trọng, kỷ tử, bạch thược, hoài sơn đều 12g; cam thảo 6g. Nếu xuất huyết nhiều bỏ đương quy, đỗ trọng, thêm hạn liên thảo, nữ trinh tử, tiên hạc thảo đều 12g, bột sâm tam thất 5g (hòa thuốc sắc uống). Chảy máu cam thêm bạch mao căn, trắc bá diệp đều 12g; sốt thêm thanh hao, địa cốt bì, đơn bì đều 12g.
3. Tỳ thận dương hư
Triệu chứng sắc mặt tái nhợt hoặc vàng xạm, môi móng trắng bệch, hoa mắt chóng mặt tinh thần mệt mỏi, hồi hộp ù tai, chán ăn, tiêu phân lỏng, sợ lạnh, chân tay lạnh, lưỡi bệu nhợt rêu trắng, mạch trầm tế. Phương pháp chữa: ôn thận bổ tỳ, ích khí dưỡng huyết.
Bài thuốc: Hữu quy hoàn gia giảm: đảng sâm, hoài sơn, hoàng kỳ, đại táo đều 15g, bạch truật, phục linh, thục địa, thỏ ty tử, kỷ tử, đỗ trọng đều 12g, sơn thù, lộc giác giao, đương quy, thục phụ tử đều 9g, nhục quế 2g, cam thảo 6g. Nếu sợ lạnh nhiều, tiêu lỏng thêm bổ cốt chi 9g, tiên linh tỳ 12g.
4. Âm dương lưỡng hư
Triệu chứng lòng bàn chân tay nóng, ra mồ hôi trộm miệng khát là chứng âm hư, lại sợ lạnh, sắc mặt tái, chân tay phù, tiêu lỏng là biểu hiện của chứng dương hư. Lưỡi bệu khô, mạch tế sác vô lực. Phương pháp chữa: bổ âm ích dương.
Bài thuốc: Hữu quy hoàn hợp tả quy hoàn gia giảm: thục địa, sơn thù, kỷ tử, thỏ ty tử, ngưu tất, đương quy đều 9g, hoài sơn, lộc giác phiến, đỗ trọng, quy bản đều 12g. Nếu thiên về âm hư thêm hà thủ ô 12g, nhục thung dung 8g; thiên về dương hư thêm nhục quế 2g, phụ tử 9g.
5. Nhiệt độc dinh huyết
Triệu chứng sốt không giảm, sắc mặt tái nhợt, đau đầu chóng mặt, chảy máu cam hoặc nôn ra máu, tiêu phân có máu,ban xuất huyết, phụ nữ kinh nguyệt kéo dài. Lưỡi tái nhợt, rêu vàng táo, mạch hư đại sác. Phương pháp chữa: lương huyết giải độc.
Bài thuốc: Tê giác địa hoàng thang gia giảm: tây dương sâm, xích thược, liên kiều đều 9g; sinh địa, đơn bì, đại thanh diệp đều 15g; bột sừng trâu 20g (hòa uống); bột sâm tam thất 5g (hòa uống). Trường hợp bệnh nhân sốt cao mê sảng, dùng tử tuyết đơn 4g/viên hoặc cho uống thuốc tây hạ sốt.