Một thang thuốc sắc đúng cách sẽ giúp tối ưu hóa tác dụng chữa bệnh, nhưng ngoài việc sắc thuốc đúng phương pháp, cách uống thuốc, thời gian uống và nhiệt độ thuốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị.
Lưu ý về số lần uống thuốc
Nội dung trong bài viết
Thầy thuốc Y học cổ truyền công tác tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ thông thường, mỗi thang thuốc được sắc 2 lần (2 nước). Nếu muốn tận dụng hết dược liệu, có thể sắc 3 lần (3 nước). Để đảm bảo nồng độ thuốc trong mỗi lần uống là đồng đều, nên hợp các nước thuốc lại với nhau và quấy đều. Sau đó, tùy vào tình trạng bệnh và thể chất của người bệnh, có thể chia thuốc ra uống trong ngày (uống một lần hoặc chia làm nhiều lần).
- Chia uống trong ngày: Chia thuốc thành 2-3 phần đều nhau, uống từ 2-3 lần mỗi ngày. Cách này phù hợp với bệnh nhẹ hoặc bệnh mãn tính.
- Uống ngay một lần: Hợp tất cả các nước thuốc lại và uống hết một lần. Cách uống này thường áp dụng với các thuốc có tác dụng phát hãn (gây mồ hôi, giải cảm, giải độc), thuốc tả hạ (tẩy, thông tiện mạnh), hoặc thuốc thanh nhiệt, thích hợp cho các trường hợp bệnh nặng, nhằm tập trung hiệu quả thuốc.
- Uống nhiều lần: Uống từng ít một, nhiều lần, giống như uống trà, thường áp dụng trong các trường hợp: Người có thể trạng yếu, dạ dày yếu, không chịu được tác động mạnh từ thuốc. Bệnh nhân dễ nôn, uống nhiều có thể gây nôn và làm mất tác dụng điều trị. Đối với các bệnh lý ở trên cơ hoành, như đau họng, đau răng, viêm lưỡi, bệnh mắt, uống thuốc từng ít một sẽ giúp thuốc tiếp xúc trực tiếp với ổ bệnh.
Lưu ý về thời điểm uống thuốc
Uống thuốc trước bữa ăn: Giảng viên Cao đẳng Y Sài Gòn chia sẻ một số loại thuốc như thuốc trừ thấp, lợi thủy, thuốc tả hạ (tẩy), thuốc khu trùng (trừ giun sán) nên uống khi bụng đói, thường vào sáng sớm hoặc trước bữa ăn khoảng 30-50 phút. Khi dạ dày trống, thuốc sẽ được hấp thu tốt hơn. Đối với các bệnh lý dưới cơ thể, uống thuốc trước bữa ăn sẽ không bị thức ăn cản trở, giúp thuốc dễ dàng đi xuống hạ tiêu.
Uống thuốc sau bữa ăn: Với những thang thuốc có vị thuốc kích thích dạ dày, thuốc phát hãn giải biểu (giải cảm), thuốc điều trị bệnh ở thượng tiêu, nên uống sau bữa ăn khoảng 20-30 phút.
Lưu ý về nhiệt độ của thuốc
Nhiệt độ của thuốc cũng ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc:
- Uống nóng: Dùng cho các bệnh lý có tính hàn, thuốc có tính nhiệt nên uống khi còn nóng.
- Uống ấm: Hầu hết các loại thuốc thang nên uống khi còn âm ấm. Đặc biệt là các loại thuốc điều hòa khí huyết, bồi bổ tạng phủ, an thần, cần uống ấm để không làm lạnh cơ thể và giảm kích thích dạ dày.
- Uống lạnh: Các thuốc chỉ huyết, thu sáp, điền cố thường uống lạnh để kéo dài thời gian tác dụng của thuốc. Đặc biệt, khi chữa các bệnh lý nhiệt, thuốc có tính hàn nên uống lạnh hoặc khi người bệnh bị nôn, hay mùa hè nóng bức.
Việc uống thuốc Đông Y đúng cách sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả điều trị và giúp cơ thể hấp thu thuốc một cách tốt nhất.