Nha đạm tử được xem là vị thuốc quý điều trị kiết lỵ, sốt rét… đồng thời là loại thuốc chữa lỵ được dùng từ lâu ở nhiều nước.
- Thầy thuốc đông y hướng dẫn điều trị bệnh quai bị từ hạt gấc
- Thầy thuốc đông y chia sẻ bài thuốc từ các bộ phận của cây sung
Khám phá vị thuốc đông y Nha đạm tử
Tác dụng của nha đạm tử
Nội dung trong bài viết
Tên gọi khác: Khổ luyện tử, sầu đâu rừng, hạt khổ sâm.
Nha đạm tử là hạt trong quả chín của cây xoan rừng (Brucea javanica (L.) Merr.), thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae).
Theo nghiên cứu, trong nha đạm tử có dầu, tinh dầu, alcaloid (Brucamarin), quassinoid (nhóm diterpen mạch vòng – picrasan), glucosid của quassinoid, saponin…
Theo y học cổ truyền, nha đạm tử có vị đắng, tính hàn; vào kinh can và đại tràng. Theo đó, bài thuốc có tác dụng trong việc thanh nhiệt, giải độc, trị lỵ, triệt ngược, cắt cơn sốt rét.
Theo tài liệu của các dược điển và Y học cổ truyền; Tổ chức Y tế thế giới, xoan rừng được dùng để điều trị kiết lỵ, chứng sốt rét, chai chân, mụn cóc, nốt ruồi. Đáng chú ý, đây là loại thuốc chữa lỵ được dùng từ lâu ở nhiều nước.
Tại Việt Nam, có trong sách “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh (thế kỷ 17) với tên “Xoan rừng”; tại Trung Quốc có trong sách “Bản thảo thập di” của Triệu Học Mẫn (1765) với tên Nha đạm tử.
Liều dùng: Mỗi lần dùng 10 đến 30 hạt trị lỵ amíp, 10 đến 15 hạt trị sốt rét; dùng ở đối tượng người lớn.
Giảng viên YHCT – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, vị thuốc này kiêng kỵ đối với các trường hợp như:
- Người hay nôn mửa, tỳ vị hư yếu kiêng dùng.
- Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ không nên dùng.
Nha đạm tử ứng dụng trong lâm sàng
Nha đạm tử trị lỵ amíp cấp
Bài 1: Nha đạm tử, hạt cau, hoàng liên gai, hạt dưa hấu, bồ kết, đại hoàng, mỗi vị 20g. Tất cả đem tán thành bột. Mỗi ngày uống 20g, chia làm 2 lần.
Bài 2: Nha đạm tử, trần bì, binh lang, hoàng liên gai, ngô thù du, mỗi vị 100g, anh túc xác 20g. Tất cả đem tán bột làm viên. Mỗi ngày uống 20g, chia làm 2 lần.
Vị thuốc Nha đạm tử
Nha đạm tử trị lỵ amíp mạn tính (có máu mủ, lúc ngưng lúc phát)
Bài 1: Nha đạm tử 20 hạt nghiền vỡ, ngâm trong 200 ml dung dịch natri bicacbonat 1%. Sau đó tiến hành hút dịch thụt vào hậu môn, cách 1 ngày thụt một lần; làm 4 – 5 lần. Tác dụng: trị lỵ amíp cấp tính và mạn tính.
Bài 2: Nha đạm tử nhân, mỗi lần uống 10 – 15 hạt (cho vào nang). Mỗi ngày uống 3 lần. Đợt điều trị 1 tuần.
Bài 3: Đơn Giải độc sinh hóa: Nha đạm tử 10 hạt, kim ngân hoa 16g, bột tam thất 4g, cam thảo 8g. Đầu tiên uống nha đạm tử với bột tam thất, sau đó chiêu bằng nước sắc của các vị kia. Tác dụng: trị lỵ mạn tính lâu ngày không ngừng.
Nha đạm tử cắt cơn sốt rét
Trang Y học cổ truyền – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur dẫn nguồn từ báo SK&ĐS cho biết, với trường hợp sốt cách 2 ngày hoặc 3 ngày (cách nhật) dùng bài thuốc: Nha đạm tử nhân 10 đến 15 hạt, cho vào nang, uống với nước, ngày 2 – 3 lần.
Bài thuốc còn có tác dụng với cả sốt rét ác tính; hay bệnh trùng hút máu (Ochistosomiasis) thời kỳ đầu, hoặc đi lỵ có máu mủ nhưng đợt điều trị kéo dài hơn.
Lưu ý: Toàn bộ thông tin về Nha đạm tử trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh không tự ý sử dụng, thay vào đó, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa khám nếu bạn cảm thấy không khỏe.
Nguồn: Báo SK&ĐS – Y học cổ truyền tổng hợp